LPB – Kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2024, không chia cổ tức tiền mặt trong 3 năm tiếp theo – Báo cáo ĐHCĐ
  • 2024-04-19T00:00:00
  • Phân tích doanh nghiệp
  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) tại Ninh Bình vào ngày 17/04 với số lượng người tham dự chiếm 86,2% số cổ phiếu đang lưu hành của LPB. Trong đó, 77,8% tổng số quyền biểu quyết được ủy quyền và cổ đông trực tiếp tham dự ĐHCĐ chiếm 8,4% tổng số quyền biểu quyết.
  • Nội dung chính của ĐHCĐ bao gồm (1) xem xét KQKD năm 2023 của LPB, (2) phê duyệt kế hoạch năm 2024, (3) thông qua phương án chia cổ tức cổ phiếu, (4) thông qua phương án đổi tên ngân hàng và mua/nhận chuyển nhượng tài sản và (5) từ chức thành viên Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2023-2028.
  • Các mục tiêu chính năm 2024 bao gồm (1) tăng trưởng tín dụng đạt 15,9% so với giả định hiện tại của chúng tôi là 15,0%, (2) tăng trưởng huy động vốn đạt 11,2% so với dự báo hiện tại của chúng tôi là 13,5% và (3) LNTT đạt 10,5 nghìn tỷ đồng (+49,2% YoY) so với dự báo cả năm của chúng tôi là 8,1 nghìn tỷ đồng (+16,7% YoY). Chúng tôi lưu ý rằng LPB đã thay đổi kế hoạch LNTT năm 2024 từ +35,0% YoY thành +49,2% YoY.
  • Cổ đông thông qua phương án không chia cổ tức tiền mặt trong 3 năm tiếp theo nhằm nâng cao năng lực tài chính.
  • Hủy phát hành riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài và phương án ESOP đề xuất tại ĐHCĐ thường niên năm 2023 để thay thế bằng phương án phát hành quyền bao gồm 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu đề xuất tại ĐHCĐ năm nay. Con số này tương đương với 32,3% cổ phiếu trước phát hành và 23,8% cổ phiếu sau phát hành.
  • Chúng tôi hiện có khuyến nghị KÉM KHẢ QUAN cho LPB với giá mục tiêu là 14.900 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù LNTT năm 2023 là mức cơ sở cao, LPB đặt mục tiêu LNTT tăng 49,2% YoY trong năm 2024. Theo ban lãnh đạo ngân hàng, để đạt được kế hoạch này, ngân hàng sẽ (1) giải ngân mạnh tín dụng vào đầu năm (tăng trưởng tín dụng 3T 2024 đạt 11,7%), (2) tăng thu nhập ngoài lãi (NOII) nhờ bán chéo dịch vụ và sản phẩm, ( 3) giảm chi phí dự phòng với mục tiêu tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,9% trong năm 2024. Ngoài ra, ban lãnh đạo tin rằng năng suất của nhân viên sẽ tăng, từ đó giúp tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) đạt khoảng 35% trong năm 2024, so với mức 37% vào năm 2023. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng điều này là không đủ để hoàn thành kế hoạch LNTT tăng 49% YoY trong năm 2024. Ngân hàng có thể cần ghi nhận thu nhập một lần và/hoặc hoàn nhập chi phí dự phòng để hoàn thành mục tiêu này.

LPB đã được cổ đông chấp thuận đổi tên đầy đủ từ “Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt” thành “Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam”. Ngân hàng giải thích LPB đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ nên việc đổi tên nhằm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong giai đoạn phát triển mới và định hướng hình ảnh mới. Điều này cho thấy LPB sẽ không còn quá phụ thuộc vào hình ảnh thương hiệu của Bưu điện Việt Nam – vốn đã giúp LPB giành được thị phần ở khu vực nông thôn.

LPB đã nhận được sự chấp thuận của cổ đông về việc mua/nhận chuyển nhượng/cho thuê tài sản. HĐQT có toàn quyền quyết định việc mua hoặc chuyển nhượng tài sản. Nếu giá trị tài sản lớn hơn 20% vốn điều lệ của LPB, HĐQT sẽ chủ động quyết định và sau đó sẽ báo cáo tại ĐHCĐ gần nhất. Những tài sản này sẽ được sử dụng làm trụ sở hoạt động, chi nhánh, phòng giao dịch và nơi làm việc cho nhân viên LPB. Chúng tôi cho rằng việc thâu tóm 1 tài sản lớn thường cần có phê duyệt của cổ đông.

Chúng tôi lưu ý rằng tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, LPB đã được chấp thuận mua/nhận chuyển nhượng tòa nhà tọa lạc tại số 210 Trần Quang Khải, phường Hoàn Kiếm, Hà Nội làm trụ sở chính của ngân hàng nhưng việc này vẫn chưa được triển khai. 

 

Powered by Froala Editor