- 2024-07-23T00:00:00
- Báo cáo vĩ mô
Trong tháng 6, nhiều chính sách có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2024 đã được thông qua, bao gồm: Thực hiện cải cách tiền lương khu vực công, gia hạn giảm thuế VAT 2%, gia hạn và giảm một số loại phí , lệ phí khác.
(1) Thực hiện cải cách tiền lương khu vực công (Nghị quyết 142/2024/QH15 ngày 29/06)
- Mức lương cơ sở của khu vực công tăng 30%. Mặc dù không kịp áp dụng cấu trúc tiền lương mới cho khu vực công từ ngày 01/07/2024 (vui lòng xem thêm thông tin chi tiết trong Báo cáo Cập nhật Vĩ mô của chúng tôi, ngày 24/11/2023), tuy nhiên, mức lương cơ sở vẫn được tăng 30% lên 2,34 triệu đồng/tháng, có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.
- Tăng lương cơ sở sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng cũng sẽ gia tăng áp lực lạm phát. Tổng nguồn vốn cho việc tăng lương cơ sở, thưởng, lương hưu và trợ cấp trong giai đoạn 2024-2026 là khoảng 906 nghìn tỷ đồng. Theo ước tính của Bộ KH&ĐT Việc tăng lương cơ sở, thưởng, lương hưu và trợ cấp có thể giúp GDP tăng thêm gần 0,4 điểm phần trăm vào năm 2024 và gần 0,3 điểm phần trăm vào năm 2025. Đồng thời, KH&ĐT dự báo cải cách tiền lương cũng có thể làm tăng CPI thêm 1,2 điểm phần trăm vào năm 2024 và 1,0 điểm phần trăm vào năm 2025.
(2) Gia hạn giảm thuế VAT 2% (Nghị quyết 142/2024/QH15 ngày 29/06)
- Giảm 2% thuế VAT (từ 10% xuống 8%) được gia hạn đến hết năm 2024. Việc giảm thuế GTGT này sẽ được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa & dịch vụ đang áp dụng thuế GTGT 10%, ngoại trừ một số nhóm hàng hóa & dịch bao gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (trừ khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa & dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Gia hạn giảm thuế GTGT dự kiến sẽ hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, đồng thời có thể giúp kiềm chế lạm phát. Việc gia hạn giảm thuế GTGT có thể: (1) giảm giá hàng hóa & dịch vụ và kích thích nhu cầu; (2) giảm chi phí sản xuất, đồng thời doanh nghiệp cũng có thể hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa từ nhu cầu gia tăng; và (3) giảm giá nhiều nhóm hàng hóa & dịch vụ và giúp kiềm chế lạm phát. Ước tính việc giảm thuế GTGT có thể giúp tăng trưởng kinh tế thêm gần 0,2% (tác động trực tiếp thông qua tiêu dùng cuối cùng) và có ảnh hưởng lan tỏa lớn hơn.
(3) Các biện pháp hỗ trợ tài khóa khác
- Chính phủ cũng đã gia hạn thời hạn nộp thuế thông qua: (1) Nghị định 64/2024/NĐ-CP ngày 17/06/2024: gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất (lên đến 6 tháng đến ngày 31/12/2024); và (2) Nghị định 65/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024: gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (lên đến 6 tháng đến ngày 20/11/2024).
- Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 43/2024/TT-BTC ngày 28/06/2024, tiếp tục giảm 10% đến 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ ngày 01/07/2024 đến ngày 31/12/2024.
- Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đang đề xuất Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước từ ngày 01/08/2024 đến ngày 31/01/2025.
Powered by Froala Editor