- 2024-10-01T00:00:00
- Báo cáo ngành
Chúng tôi duy trì quan điểm tự tin rằng tiêu thụ xăng dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh tại Việt Nam, ngay cả khi xe điện ngày càng phổ biến. Theo Bộ Công Thương, tiêu thụ xăng dầu tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (YoY) trong 8 tháng đầu năm 2024. Chúng tôi dự báo tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 4,1% trong giai đoạn 2023-2028. Con số này cao hơn gấp 10 lần so với dự báo tiêu thụ xăng dầu toàn cầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) với CAGR là 0,4% trong cùng kỳ.
Chúng tôi kỳ vọng nghị định mới về ngành xăng dầu sẽ có tác động tích cực đến lợi nhuận của PLX và OIL. Do tình trạng thiếu hụt xăng dầu nghiêm trọng vào cuối năm 2022, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã dự thảo thêm các quy định để sửa đổi Nghị định 80 (ban hành vào tháng 11/2023) nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Kể từ những nhận xét gần đây của chúng tôi về dự thảo thứ ba của nghị định mới trong Báo cáo cập nhật PLX (Có vị thế tốt để tăng trưởng thị phần, và nâng cao lợi nhuận, ngày 08/08/2024), dự thảo thứ tư đã được ban hành vào ngày 20/08. Dự thảo này nhìn chung tương tự với dự thảo thứ ba về cơ chế định giá, nhằm tạo điều kiện cho các nhà phân phối xăng dầu có thể tự định giá, điều chỉnh chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức hàng năm dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam, và giảm bớt các khâu trung gian trên thị trường. Có 2 thay đổi chính so với dự thảo thứ ba. (1) Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (PSF) sẽ do Chính phủ quản lý, thay vì vẫn do các nhà phân phối xăng dầu quản lý. Bộ Tài chính sẽ giám sát PSF và đảm bảo việc chuyển giao quỹ này vào Ngân sách Nhà nước (NSNN). (2) Khoản mục ‘premium’, một thành phần của giá cơ sở/giá trần (chi tiết trong Hình 4), sẽ được xem xét mỗi 3 tháng (tương tự nghị định hiện hành), thay vì mỗi 7 ngày như trong dự thảo thứ ba. Nghị định mới dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm 2024 và có hiệu lực từ đầu năm 2025.
Nghị định mới sẽ cho phép các nhà phân phối xăng dầu tự định giá và chuyển từ cơ chế giá cơ sở sang cơ chế giá trần. Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ cải thiện biên lợi nhuận cho các nhà phân phối xăng dầu. Chúng tôi nhận thấy việc phân phối xăng dầu ở châu Á tuân theo 3 cơ chế định giá chính: giá thị trường, giá cơ sở và giá trần. Từ giai đoạn 2015-2023, các quốc gia áp dụng cơ chế giá thị trường hoặc giá trần có biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) trung bình lần lượt đạt 3,0% và 3,9%, trong khi biên lợi nhuận từ HĐKD trung bình đạt 2,1% đối với PLX và 0,6% đối với PV OIL (trang 12). Chúng tôi tin rằng việc chuyển sang cơ chế giá trần sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận từ HĐKD của PLX và OIL, phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 và có thể tăng lên, tiệm cận với biên lợi nhuận từ HĐKD của các công ty cùng ngành trong khu vực.
Powered by Froala Editor