- 2021-08-09T00:00:00
- Phân tích doanh nghiệp
- Tổng CT Hàng không Việt Nam (HVN) đã tổ chức ĐHCĐ thường năm 2021 tại Hà Nội vào ngày 14/07/2021, với sự hiện diện của 67 cổ đông, chiếm 96,1% tổng số cổ phiếu lưu hành của công ty. HVN đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 là 37 nghìn tỷ đồng (-12% YoY) và lỗ ròng 14,5 nghìn tỷ đồng so với mức lỗ 11 nghìn tỷ đồng vào năm 2020. Doanh thu kế hoạch năm 2021 của HVN tương ứng 84% dự báo của chúng tôi trong khi dự báo lỗ lớn hơn 1,4 lần so với mức lỗ dự báo năm 2021 của chúng tôi cho HVN. Do đó, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
- Cổ đông của HVN đã thông qua phương án phát hành quyền với tỷ lệ 56% (0,56 cổ phiếu mới cho mỗi cổ phiếu hiện hữu) với giá phát hành bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tất cả các cổ đông tham gia đợt phát hành, HVN sẽ huy động được 8 nghìn tỷ đồng vốn chủ sở hữu để duy trì vận hành công ty qua năm 2021 đầy khó khăn.
- ĐHCĐ đã thông qua việc thay thế thành viên Ban kiểm soát (BKS). Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng sẽ thay thế ông Lại Hữu Phước làm Thành viên BKS.
Kế hoạch phát hành quyền mua sẽ được thực hiện vào năm 2021. Các cổ đông của HVN đã thông qua kế hoạch phát hành quyền, trong đó HVN sẽ phát hành thêm 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (0,56 cổ phiếu mới trên mỗi cổ phiếu hiện hữu). Giá phát hành là 10.000 đồng/CP. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ đại diện cho Nhà nước - hiện đang nắm giữ 86% cổ phần của hãng hàng không - tham gia vào việc phát hành quyền. Sự tham gia của SCIC là một phần chính trong gói giải cứu của Chính phủ dành cho HVN, bao gồm khoản vay 4 nghìn tỷ đồng mới được ký kết từ 3 ngân hàng TMCP với lãi suất ưu đãi. HVN dự kiến thực hiện phát hành quyền vào quý 3 hoặc quý 4/2021, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Số tiền thu được từ việc phát hành quyền sẽ được sử dụng để tái tục khoản vay và cải thiện vốn lưu động. HVN chia sẻ rằng gói giải cứu sẽ hữu ích trong ngắn hạn nhưng có thể không giải quyết triệt để tất cả các vấn đề thanh khoản của hãng hàng không này. Do đó, HVN có thể tiến hành phát hành thêm quyền hoặc phát hành riêng lẻ trong tương lai.
Vận tải hành khách trong nước và vận tải hàng hóa là hai ngành đóng góp thu nhập chính. Trước COVID-19, vận tải hành khách quốc tế chiếm 65% tổng doanh thu của HVN; tuy nhiên, đóng góp hiện tại từ mảng này chỉ khoảng 1%, trong đó chủ yếu là từ các chuyến bay giải cứu. Phân khúc trong nước là trụ cột chính trong doanh thu của HVN và hãng đã mở 22 đường bay nội địa mới. Tuy nhiên, 2 đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây vào mùa cao điểm (Tết Nguyên đán và mùa hè) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến HVN. Hãng cho biết doanh thu vận tải hàng hóa đã vượt qua doanh thu vận tải hành khách trong 6 tháng đầu năm 2021 và HVN đã chuyển đổi 5 tàu bay thân rộng và 2 tàu bay thân hẹp thành tàu bay chở hàng. Hãng cũng đang xem xét việc thành lập một công ty con chuyên vận chuyển hàng hóa để nắm bắt cơ hội trong mảng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.
Cắt giảm chi phí và bán máy bay để duy trì thanh khoản. HVN chia sẻ rằng việc cắt giảm chi phí 5,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2020 chủ yếu là do (1) đàm phán với các nhà cung cấp để giảm chi phí thuê & bảo dưỡng máy bay và (2) cắt giảm lương 1,8 tỷ đồng. Hãng có kế hoạch tăng nỗ lực cắt giảm chi phí lên 6,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. ĐHCĐ cũng thông qua việc HVN bán toàn bộ 6 máy bay ATR để cải thiện dòng tiền. ATR là loại máy bay động cơ phản lực cánh quạt nhỏ có thể bay đến các sân bay chưa phát triển với đường băng ngắn; tuy nhiên, mô hình này đang mất dần lợi thế do các sân bay nhỏ của Việt Nam hiện đang có kế hoạch nâng cấp.
Sự hỗ trợ tiếp tục từ Chính phủ, các chủ nợ và các nhà cung cấp. HVN kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không, bao gồm giảm phí dịch vụ máy bay cất, hạ cánh, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với dịch vụ chuyên ngành hàng không do Chính phủ quy định, giảm thuế nhiên liệu máy bay và cho phép hãng hàng không áp dụng phương pháp khấu hao dựa trên hiệu suất sử dụng cho các báo cáo tài chính của mình. HVN chia sẻ rằng họ đã đàm phán thành công 65 triệu USD tiền chậm thanh toán với các bên cho vay nước ngoài vào năm 2020 và đang đặt kế hoạch đàm phán 40 triệu USD tiền chậm thanh toán trong năm nay.
Các chuyến bay quốc tế thương mại sẽ tiếp tục thực hiện trở lại từ cuối tháng 7/2021. HVN chia sẻ rằng hãng sẽ bắt đầu nối lại các chuyến bay quốc tế với cách tiếp cận thận trọng và sử dụng hộ chiếu vaccine. Việc nối lại có thể áp dụng cho các chuyến bay nối Úc, Đức, Anh, Nhật Bản và Thái Lan sử dụng các loại máy bay thân rộng như Boeing 787 và Airbus A350.