Báo cáo Ngành Dệt May - Mở rộng chuỗi cung ứng thượng nguồn hỗ trợ lợi nhuận đạt mức cao hơn
  • 2024-10-18T00:00:00
  • Báo cáo ngành

Ngành dệt may là ngành xuất khẩu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Mặc dù tỷ trọng của ngành dệt may trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ mức 16% trong năm 2011 xuống còn 11% trong năm 2023, nhưng thặng dư thương  mại của ngành dệt may so với giá trị xuất khẩu đã tăng từ 41% lên 53% trong cùng kỳ. Sự thay đổi này cho thấy mức lợi nhuận cao hơn của ngành dệt may Việt Nam, mà chúng tôi cho rằng là do sự chuyển dịch từ hoạt động sản xuất chi phí thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn. Sự chuyển dịch này được thúc đẩy bởi việc cải thiện chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng với tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Diễn biến này có sự tương đồng với Trung Quốc giai đoạn 2000-2013, khi chi phí lao động của nước này tăng lên cùng với sự cải thiện về công nghệ và trình độ của người lao động.

Cơ hội mở rộng chuỗi cung ứng thượng nguồn: Theo Bộ Công thương, vào năm 2023, Việt Nam đã phải nhập khẩu 40% sợi tổng hợp, 50% sợi bông, và 80% vải sợi để đáp ứng nhu cầu trong  nước. Mặc dù chuỗi giá trị thượng nguồn vẫn còn nhiều khoảng trống, nhưng tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu so với giá trị xuất khẩu đã giảm từ 50% xuống 40% trong 10 năm qua. Chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi cung ứng thượng nguồn, nhờ vào việc dịch chuyển các nhà máy sợi/vải của Đài Loan và Trung Quốc. Một chuỗi giá trị hoàn chỉnh hơn sẽ giúp Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng FOB/ODM hơn (xem trang 7) và tối đa hóa lợi ích từ việc các hiệp định FTA yêu cầu chứng minh “xuất xứ từ sợi” và/hoặc “xuất xứ từ vải” của các sản phẩm.


Powered by Froala Editor