Báo cáo Ngành Bất động sản Khu Công nghiệp - Triển vọng cung cầu tích cực cho mảng Bất động sản Khu công nghiệp
  • 2024-05-13T00:00:00
  • Báo cáo ngành

Việt Nam là nước hưởng lợi hàng đầu từ sự dịch chuyển cơ cấu chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc do những lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động tương đối thấp, lực lượng lao động trẻ và được đào tạo ngày càng cao, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh được cải thiện, cùng với đó là một loạt các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và quỹ đất dồi dào để thu hút các nhà đầu tư FDI quy mô lớn. Dòng vốn FDI đổ vào các nước ASEAN tăng gấp 3 lần từ năm 2010 đến năm 2022 khi các nhà đầu tư tìm kiếm những lựa chọn thay thế Trung Quốc với chi phí thấp hơn. Xu hướng này được đẩy nhanh trong những năm gần đây do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và các đợt phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2022, trong khi phần lớn thế giới mở cửa trở lại. Sự phát triển của các trung tâm công nghiệp sản xuất điện tử của Việt Nam là một minh chứng thành công cho khả năng thu hút FDI, tận dụng lợi thế chi phí thấp và vị trí gần Trung Quốc. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam tăng mạnh 19,8 lần từ năm 2010 đến năm 2022, vượt xa mức tăng của các nước trong khu vực như Singapore (1,5 lần), Malaysia (2,3 lần) và Philippines (3,1 lần). Kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam xếp thứ bảy trên toàn cầu vào năm 2022, chỉ sau Trung Quốc và 6 nền kinh tế phát triển khác.
 
Sự dịch chuyển sang sản xuất công nghệ cao có thể giúp Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ gia tăng thị phần xuất khẩu trong tương lai nếu chuyển đổi thành công từ mô hình công nghiệp hiện tại chủ yếu lắp ráp linh kiện cho sản phẩm cuối cùng sang các công đoạn sản xuất tiên tiến hơn và có giá trị gia tăng cao hơn. Điều này được thúc đẩy bởi sự chuyển giao công nghệ và nội địa hóa từ các công ty FDI, cũng như nỗ lực của Chính phủ trong việc đào tạo lao động trình độ cao trong các ngành công nghiệp như sản xuất chất bán dẫn. Hiện tại, các công ty bán dẫn hàng đầu đã có mặt tại Việt Nam bao gồm Samsung, Qualcomm và Amkor.
 
Các quy hoạch tổng thể cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030 cho thấy quỹ đất KCN mới có thể gia tăng đáng kể trong tương lai, mang lại lợi ích cho các chủ đầu tư KCN nhiều kinh nghiệm có khả năng thu hút FDI tốt. Trong khi Chính phủ đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất KCN đầy tham vọng cho tới năm 2030, việc phê duyệt KCN chậm lại trong giai đoạn 2022-2023 do hầu hết các tỉnh vẫn đang hoàn tất quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng quy trình phê duyệt sẽ cải thiện trở lại trong năm 2024 do hầu hết các quy hoạch tổng thể cấp tỉnh đã hoàn thành. Ngoài ra, Quyết định số 227/QĐ-TTg (ngày 12/03/2024) vừa được phê duyệt đã nới lỏng chỉ tiêu đất KCN tại các tỉnh đã hết hạn mức cho tới năm 2025 như Bắc Ninh, Bình Phước và Tiền Giang.

Powered by Froala Editor