- 2024-04-25T00:00:00
- Phân tích doanh nghiệp
Chúng tôi tham dự ĐHCĐ của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) vào ngày 24/05 tại Hà Nội. Nhìn chung, triển vọng phục hồi ngắn hạn khá lạc quan mặc dù thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi. Trong khi đó, ban lãnh đạo có quan điểm tích cực hơn về triển vọng trung hạn so với dự báo của chúng tôi.
1. KQKD sơ bộ quý 1/2024
- Doanh thu: 339 tỷ đồng; +29% YoY; tương ứng 23% dự báo năm 2024 của chúng tôi.
- LNTT: 62 tỷ đồng; +29% YoY; tương ứng 19% dự báo năm 2024 của chúng tôi.
- Biên LNTT: 18,3% so với kết quả quý 4/2023 là 14,7% và dự báo năm 2024 của chúng tôi là 22,1%.
- Số lượng cửa hàng: 121; +1 so với cuối năm 2023.
Doanh số trong nước giảm tương ứng với lượng hành khách hàng không trong nước giảm 13% YoY vì các hãng hàng không trong nước sửa chữa máy bay. Trong khi đó, lượng hành khách quốc tế tiếp tục phục hồi mạnh, dự kiến vượt mục tiêu của ACV cho năm 2024 là 41 triệu khách.
2. Kế hoạch kinh doanh và triển vọng năm 2024:
- Doanh thu: 1.350 tỷ đồng; +23% YoY; tương ứng 92% dự báo năm 2024 của chúng tôi; 118% kết quả năm 2019.
- Trong nước: 453 tỷ đồng
- Quốc tế: 857 tỷ đồng
- LNTT: 230 tỷ đồng; +29% YoY; tương ứng 71% dự báo năm 2024 của chúng tôi; 87% kết quả năm 2019.
- Biên LNTT: 17,0% so với kết quả năm 2023 là 16,1% và dự báo năm 2024 của chúng tôi là 22,1%; Kết quả năm 2019: 23,1%.
- Số lượng cửa hàng: 126; +6 so với cuối năm 2023.
AST tự tin sẽ vượt mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho rằng mục tiêu biên LNTT năm 2024 giảm so với năm 2019 do 2 yếu tố: (1) doanh số/cửa hàng giảm do tâm lý người tiêu dùng trong nước yếu và lượng khách du lịch Trung Quốc vốn có mức chi tiêu cao vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và (2) cơ chế chia sẻ doanh thu mới của ACV sẽ dẫn đến chi phí thuê mặt bằng cao hơn cho AST.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng biên LNTT năm 2024 sẽ cải thiện đáng kể so với mức 16% vào năm 2023 nhờ doanh số/cửa hàng cao hơn, nhờ lượng hành khách hàng không nước ngoài phục hồi, đạt 100% mức tiền COVID trong quý 1/2024.
3. Chia sẻ doanh thu với ACV:
Cơ chế chia sẻ doanh thu của ACV hiện áp dụng cho ~95% cửa hàng so với chi phí thuê cố định trước dịch COVID. Theo AST, cơ chế mới này ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty nhưng có lợi cho quy mô của AST để giúp công ty cạnh tranh trong đấu thầu. Do đó, các nhà bán lẻ quy mô nhỏ gặp khó khăn hơn trong việc chi trả chi phí và việc 1 nhà bán lẻ chỉ vận hành 1 đến 2 cửa hàng trở nên kém khả thi.
Chi phí thuê theo tỷ lệ % hiệu suất của doanh thu bán lẻ
Trước COVID (chi phí thuê cố định) | 2023 | Kế hoạch năm 2024 | Kế hoạch năm 2025 |
8%-9% | 14,5% | 14,75% | >15% |
Nguồn: AST, Vietcap
4. Kế hoạch mở rộng trung hạn
AST đặt mục tiêu tăng gấp đôi diện tích sàn trong trung hạn nhờ đầu thầu mặt bằng tại 3 nhà ga hành khách mới và mở rộng các cửa hàng hiện tại. Kế hoạch này vượt xa dự báo của chúng tôi. Công ty đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị nhân lực và quy trình cho dự án lớn này. AST cũng dự kiến sẽ vay thêm nợ và tăng vốn chủ sở hữu mới trong năm 2025. Công ty hiện vẫn chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết về chi phí đầu tư và quy mô phát hành.
Khung thời gian của các nhà ga hành khách trọng điểm mới
Nhà ga hành khách | Thời gian đấu thầu dự kiến | Thời gian hoạt động dự kiến | Công suất hàng năm |
Nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất | Cuối năm 2024 | 05/2025 | 15 triệu hành khách |
Mở rộng nhà ga T2 của sân bay Nội Bài | Cuối năm 2024 – đầu năm 2025 | 2025 | +5 triệu hành khách |
Nhà ga hành khách của sân bay Long Thành | 2026 | Đầu năm 2027 | 25 triệu hành khách |
Nguồn: AST, ACV, Vietcap; Chi tiết về số lượng cửa hàng vẫn chưa được ACV quyết định
5. Chiến dịch đổi mới thương hiệu
AST đang làm việc với các cổ đông chiến lược và đối tác nước ngoài nhằm thiết kế lại các thương hiệu cũ đồng thời giới thiệu bộ nhận diện mới cho các điểm bán hàng của công ty. Bắt đầu từ tháng 5 và tháng 6/2024, công ty sẽ triển khai các thiết kế này cho các cửa hàng mới. Trong trung hạn, công ty sẽ tiến hành đổi mới thương hiệu cho các điểm bán hàng khác.
6. Hoạt động kinh doanh ngoài bán lẻ
Theo ban lãnh đạo, LNST của khách sạn A la carte Đà Nẵng vẫn sẽ duy trì ở mức âm trong năm 2024, thấp hơn mức hàng năm trước dịch COVID là khoảng 50 tỷ đồng. Điều này đến từ tình hình cạnh tranh gia tăng, lượng khách du lịch Trung Quốc phục hồi chậm và view đẹp trước đây của khách sạn hiện đã bị che khuất một phần và cơ sở hạ tầng đã 10 năm tuổi của khách sạn cần sửa chữa. Tuy nhiên, AST không có kế hoạch thoái vốn khỏi khách sạn này vì A la carte Đà Nẵng hoàn thiện chuỗi giá trị từ sân bay đến khách sạn của AST tại Đà Nẵng
VinaCS (dịch vụ suất ăn hàng không) đang đối mặt với các khó khăn so với giai đoạn tiền COVID do việc tái cấu trúc của Hãng hàng không Bamboo (khách hàng lớn nhất của VinaCS). Tuy nhiên, tình hình này sẽ cải thiện trong thời gian tới vì các khách hàng khác đang chuyển đến Sân bay Quốc tế Nội Bài nơi VinaCS đang hoạt động. AST đang theo dõi và chuẩn bị để đấu thầu dịch vụ suất ăn cho Sân bay Quốc tế Long Thành.
7. Cổ tức đề xuất:
- 1.200 đồng/cổ phiếu cho năm tài chính 2023.
- 30% mệnh giá (bằng tiền mặt và/hoặc cổ phiếu) cho năm tài chính 2024.
Powered by Froala Editor